Ước tính khoảng 100 căn bệnh hiếm được báo cáo tại Việt Nam

Ước tính khoảng 100 căn bệnh hiếm được báo cáo tại Việt Nam

Tại Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm được báo cáo trong cộng đồng, ước tính cứ khoảng 15 người thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi bệnh hiếm và có khoảng 6 triệu người chịu ảnh hưởng ở Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính tại Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm được báo cáo trong cộng đồng. Ước tính cứ khoảng 15 người thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi bệnh hiếm và có khoảng 6 triệu người chịu ảnh hưởng ở Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tại Châu Âu, một bệnh được coi là bệnh hiếm khi số người mắc là nhỏ hơn 01/2000 người; tại Mỹ một căn bệnh hiếm gặp được định nghĩa là một bệnh ảnh hưởng tới dưới 200.000 người, ước tính khoảng 25 triệu người Mỹ sống chung với một căn bệnh hiếm, hiện chỉ có một vài loại bệnh hiếm gặp được theo dõi khi người bệnh đã được chẩn đoán. 

Các bệnh hiếm có thể là một số bệnh có nguồn gốc di truyền, nhưng cũng có thể là do nhiễm trùng và các yếu tố môi trường hoặc thoái hóa, ung thư…

Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua một số bệnh hiếm như: bệnh rối loạn đông máu (Haemophilia), bệnh thiếu máu bẩm sinh (Thalassemia)… đã và đang được quan tâm điều trị cho người bệnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh hiếm một cách có hệ thống mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh. 

Ước tính khoảng 100 căn bệnh hiếm được báo cáo tại Việt Nam
Kích thước bướu khủng của bệnh nhi mắc căn bệnh bướu hắc tố bẩm sinh

Cụ thể là trước mắt tập trung đến hai căn bệnh hiếm phức tạp là: Bệnh rối loạn đông máu (ước tính có khoảng hơn 6.000 người mắc ở Việt Nam, hiện nay có 3.600 bệnh nhân Hemophilia được phát hiện); và bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ mở rộng quản lý, giám sát, điều trị các bệnh hiếm khác trong cộng đồng.

BS. Nguyễn Trọng Khoa thông tin thêm, tại Việt Nam hiện nay, một số căn bệnh hiếm đã có liệu pháp và thuốc điều trị cụ thể giúp việc điều trị bệnh có kết quả tốt hơn và tăng cường chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hành trình vừa qua cho thấy việc mở rộng hợp tác với các đơn vị hàng đầu về lĩnh vực này đã tạo ra sự thay đổi tích cực vì người bệnh, cũng như tạo điều kiện cho các bệnh nhân và giới y khoa được tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh hiếm ở Việt Nam 

Từ thực tế điều trị, TS.BS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc sơ sinh và Quản lý bệnh hiếm, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, những năm gần đây, công tác chẩn đoán và điều trị bệnh hiếm trên thế giới cũng như Việt Nam đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Sự hỗ trợ từ các đối tác trong những năm qua đã giúp bệnh viện gia tăng cơ hội điều trị cho bệnh nhân trước khi xuất hiện các triệu chứng nặng, hạn chế nguy cơ tử vong…

Bộ Y tế hiện đã có nhiều chính sách đối với các bệnh nhân mắc bệnh hiếm như: Thành lập hội đồng tư vấn về bệnh hiếm, ký kết các biên bản hợp tác, ghi nhớ để tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ; xây dựng danh mục các bệnh hiếm; xây dựng hướng dẫn, chẩn đoán bệnh hiếm để tiếp tục đào tạo cho cán bộ y tế, gia đình người bệnh hiểu biết nhiều hơn về bệnh hiếm, tăng cường phát hiện sớm, điều trị kịp thời…

Đặc biệt, thời gian qua ngành y tế đã có các chính sách hỗ trợ cho thuốc điều trị bệnh hiếm, chi trả bảo hiểm y tế cho các thuốc điều trị bệnh này để giúp người mắc bệnh hiếm được điều trị sớm, kết quả điều trị cao hơn.

Để nâng cao nhận thức về các bệnh hiếm gặp, tăng cường phát hiện sớm, điều trị kịp thời, ngày Quốc tế bệnh hiếm được định ra và tổ chức thường niên vào ngày cuối cùng của tháng 2 hàng năm. Mục tiêu lâu dài của chiến dịch “Ngày bệnh hiếm” là đạt được cơ hội tiếp cận bình đẳng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho những người bị ảnh hưởng bởi một căn bệnh hiếm gặp.

Nguồn: Báo Sức khỏe & đời sống

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest

TƯ VẤN CHUYÊN GIA

Điền thông tin để được chuyên gia tư vấn miễn phí
Cùng chuyên mục

Bài viết liên quan

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc là make.