Ngày 25/11/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển đã tổ chức Mít tinh Hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động hằng năm trên toàn thế giới. “Sử dụng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta” là chủ đề của Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc năm 2020.
Tham dự Lễ Mít ting có: GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS.Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; bà Rana Flower, Trưởng đại diện lâm thời Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO); PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; PGS.TS.Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; WHO; FAO và một số đơn vị liên quan.
Đây cũng là hoạt động quan trọng, thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam.
Phát biểu tại lễ Mít ting GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong Y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng.
Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị bệnh cho con người cũng như cho vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết,… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Thực tế, việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: Người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ có khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động lớn đến kinh tế, xã hội ở các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, kém phát triển.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm: Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế – thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển. Tại Việt Nam, kháng thuốc đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và cả nền kinh tế do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.
Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Kế hoạch phòng, chống kháng thuốc là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết thực hiện của tất cả các Bộ/ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng của ngành Y tế. Vì vậy, tháng 6/2015, Bộ Y tế đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triên ký kết Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc.
Thông tin về tình trạng kháng kháng sinh hiện nay, TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ: WHO đã thu thập dữ liệu kháng thuốc kháng sinh thông qua hệ thống phần mềm giám sát. Kết quả, trong số 194 quốc gia thành viên thì mới có 92 quốc gia tham gia vào hệ thống báo cáo giám sát kháng kháng sinh.
Thực tế, tình trạng kháng thuốc xảy ra ở nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Không chỉ vậy, tỷ lệ kháng thuốc với từng loại vi khuẩn cũng có sự khác biệt. Tại Việt Nam, số liệu về kháng kháng sinh vẫn chưa rõ ràng. Vì thế phòng, chống kháng kháng sinh vẫn là một hành trình dài. WHO đang kết hợp với Bộ Y tế để đưa ra những con số cụ thể về kháng thuốc kháng sinh.
TS. Kidong Park cũng khẳng định: nếu không kiểm soát thuốc kháng sinh hợp lý thì chúng ta sẽ mất đi vũ khí để chống lại tình trạng kháng kháng sinh. Chưa có số liệu kháng kháng sinh ở bệnh viện tuyến xã, huyện. Tỷ lệ tiêu thị thuốc kháng sinh ở bệnh viện và ngành chăn nuôi vẫn chưa có. Do đó, WHO muốn lan toả thông điệp “Không sử dụng kháng sinh nếu không bị bệnh do vi khuẩn gây ra” và “khi bị nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh theo đơn, sử dụng đúng liều, đúng cách” để phòng, chống tình trạng kháng thuốc.
Để đẩy mạnh truyền thông phòng, chống kháng thuốc, trong 5 năm qua Bộ Y tế phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ có liên quan và các tổ chức quốc tế: WHO, FAO đã tổ chức tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc :
– Năm 2015 -2016, chủ đề “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”
– Năm 2017-2018, chủ đề “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”
– Năm 2019, chủ đề “Sử dụng kháng sinh thông minh”
– Năm 2020, chủ đề “Sử dụng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”.
Đối với việc quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, trong chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế đang tiến hành bổ sung sửa đổi “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện” được ban hành kèm theo Quyết định số 772/QĐ-BYT ngày 04/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn này nhằm bổ sung, sửa đổi các nội dung mới về quản lý sử dụng kháng sinh, việc phân chia các nhóm kháng sinh theo mức độ quản lý, hoàn thiện quy trình phê duyệt kháng sinh thuộc nhóm cần dự trữ.