Nhiều bác sĩ tim mạch của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ làm chủ các kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho một số nước trong khu vực và trên thế giới…
Ngày 3-11, Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ các nước trong khu vực và trong nước cùng với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới.
Tới dự và phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, ngành tim mạch trên thế giới là một trong những ngành phát triển năng động nhất trong y học. Các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á cũng rất năng động, có sự gắn kết chặt chẽ và có trình độ tay nghề tiệm cận với các nước phát triển.
Chuyên ngành tim mạch Việt Nam cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua với nhiều kết quả đáng tự hào khi nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả. Nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, kỹ thuật cao đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới. Người bệnh tim mạch tại Việt Nam đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, trong đó các bệnh không lây nhiễm tiếp tục phát triển mạnh, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch. Bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu với 19,5 triệu người chết mỗi năm. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – thấp khi chiếm tới 75%.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong. Trong khi đó, các yếu tố nguy cơ gây bệnh liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, thói quen lười vận động, thừa cân, béo phì… vẫn có xu hướng gia tăng và là những thách thức lớn cho công tác phòng chống bệnh tim mạch.
Để kiểm soát bệnh tim mạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hội Tim mạch học Việt Nam cùng các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, nhất là bệnh lý tim mạch. Đồng thời thống nhất mô hình quản lý bệnh tim mạch từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương quy hoạch một mạng lưới chuyên ngành tim mạch phát triển đồng bộ.