Ibuprofen loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid

Ibuprofen loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid

Ibuprofen loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid

Ibuprofen là thuốc gì? Thuốc được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý như thế nào? Cách dùng ra sao và những điều gì cần phải lưu ý xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Hãy cùng tìm hiểu và phân tích Ibuprofen qua bài viết dưới đây!

1. Ibuprofen là thuốc gì?

Ibuprofen được bào chế dưới dạng viên nén chứa hoạt chất là ibuprofen hàm lượng 200 mg. Thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid.

Tác dụng chống viêm của Ibuprofen xuất hiện sau hai ngày điều trị. Ibuprofen có tác dụng hạ sốt mạnh hơn aspirin, nhưng kém indomethacin. Thuốc có tác dụng chống viêm tốt và có tác dụng giảm đau tốt trong điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên.

Tên thành phần hoạt chất: ibuprofen.

Tên một số biệt dược chứa hoạt chất tương tự: Advifen 400, Brufen, Indizrac, Sosfever,…

Ibuprofen loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid
Thuốc Ibuprofen

2. Công dụng của thuốc Ibuprofen

Ibuprofen được chỉ định trong một số trường hợp:

  • Giảm đau và chống viêm từ nhẹ đến vừa: Trong một số bệnh như đau đầu, đau răng
  • Dùng ibuprofen có thể giảm bớt liều thuốc chứa thuốc phiện trong điều trị đau sau đại phẫu thuật hay đau do ung thư
  • Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên
  • Hạ sốt ở trẻ em
  • Chứng còn ống động mạch ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, dưới 34 tuần
  • Đau bụng kinh

Bạn nên nhớ đây là thuốc bán theo đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.

3. Trường hợp không nên dùng Ibuprofen

Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với ibuprofen.
  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển.
  • Bệnh nhân quá mẫn với aspirin hoặc với các thuốc chống viêm không steroid khác (hen, viêm mũi, nổi mày đay sau khi dùng aspirin).
  • Người bệnh bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, tiền sử loét dạ dày tá tràng, suy gan hoặc suy thận (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút).
  • Người bệnh đang được điều trị bằng thuốc chống đông coumarin.
  • Người bệnh bị suy tim sung huyết, bị giảm khối lượng tuần hoàn do thuốc lợi niệu hoặc bị suy thận (tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận).
  • Người bệnh mắc một trong nhóm bệnh tạo keo (có nguy cơ bị viêm màng não vô khuẩn; cần chú ý là tất cả người bệnh bị viêm màng não vô khuẩn đều đã có tiền sử mắc một bệnh tự miễn).
  • Phụ nữ đang ở ba tháng cuối của thai kỳ.
  • Trẻ sơ sinh thiếu tháng đang có chảy máu như chảy máu dạ dày, xuất huyết trong sọ và trẻ có giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu.
  • Trẻ sơ sinh có nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn chưa được điều trị.
  • Trẻ sơ sinh thiếu tháng nghi ngờ viêm ruột hoại tử.

4. Hướng dẫn dùng thuốc Ibuprofen

Liều dùng

Liều lượng của thuốc cần được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi và triệu chứng bệnh của từng bệnh nhân. Tùy theo từng đối tượng sử dụng mà liều dùng của thuốc sẽ khác nhau. Lưu ý rằng, liệu trình bày dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, không được tự ý dùng mà phải tuân thủ chính xác liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn.

Người lớn:

  • Liều uống thông thường để giảm đau: 1,2 – 1,8 g/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ, tuy liều duy trì 0,6 – 1,2 g/ngày đã có hiệu quả. Nếu cần, liều có thể tăng lên, liều tối đa khuyến cáo là 2,4 g/ ngày hoặc 3,2 g/ngày. Người bệnh bị viêm khớp dạng thấp thường phải dùng ibuprofen liều cao hơn so với người bị thoái hóa xương – khớp.
  • Liều khuyến cáo giảm sốt là 200 – 400 mg, cách nhau 4 – 6 giờ/lần, cho tới tối đa là 1,2 g/ngày.
  • Liều thông thường trong đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt là 200 mg mỗi 4 – 6 giờ, cần dùng ngay khi bị đau và tăng lên 400 mg mỗi 4 – 6 giờ nếu cần thiết nhưng không quá 1,2 g/ngày.

Trẻ em:

  • Liều uống thông thường để giảm đau hoặc sốt là 20 – 30 mg/kg/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ. Tối đa có thể cho 40 mg/kg/ngày để điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên nếu cần.
  • Ibuprofen thường không khuyến cáo dùng cho trẻ cân nặng dưới 7 kg và một số nhà sản xuất gợi ý liều tối đa hàng ngày là 500 mg đối với trẻ cân nặng dưới 30 kg.

Usage

Thuốc được sử dụng bằng đường uống. Bạn nên uống thuốc sau khi ăn no để  đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và để giảm tác dụng không mong muốn của thuốc lên dạ dày.

5. Tác dụng phụ của thuốc Ibuprofen

Tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp phải khi sử dụng:

  • Toàn thân: sốt, mỏi mệt.
  • Tiêu hóa: chướng bụng, buồn nôn, nôn.
  • Thần kinh trung ương: nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn.
  • Da: mẩn ngứa, ngoại ban.

Bạn nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

6. Tương tác thuốc khi dùng Ibuprofen

Một số tương tác ghi nhận được khi sử dụng chung Ibuprofen với các thuốc khác như:

  • Ibuprofen sử dụng chung với warfarin, aspirin gây chảy máu dạ dày.
  • Ibuprofen làm tăng nồng độ huyết tương của lithi lên 12 – 67% và giảm thải trừ lithi qua thận.
  • Sử dụng đồng thời corticoid và thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen) làm tăng nguy cơ loét dạ dày.
  • Ibuprofen làm tăng độc tính của methotrexat.
  • Ibuprofen có thể làm giảm tác dụng bài xuất natri niệu của furosemid và các thuốc lợi tiểu.
  • Ibuprofen có thể làm tăng nồng độ digoxin huyết tương.

7. Lưu ý khi dùng thuốc Ibuprofen

  • Cần thận trọng khi dùng ibuprofen đối với người cao tuổi.
  • Rối loạn thị giác như nhìn mờ là dấu hiệu chủ quan và có liên quan đến tác dụng có hại của thuốc nhưng sẽ hết khi ngừng dùng ibuprofen.
  • Cần theo dõi chức năng gan thường xuyên khi sử dụng ibuprofen lâu dài. Nồng độ ALT huyết tương là chỉ số nhạy nhất để đánh giá nguy cơ làm giảm chức năng gan của thuốc chống viêm không steroid. Cần thận trọng và theo dõi chặt chẽ bệnh nhân suy giảm chức năng thận khi sử dụng ibuprofen.
  • Khi sử dụng ibuprofen có thể làm tăng huyết áp hoặc làm nặng hơn bệnh tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch. Để giảm thiểu các biến cố tim mạch nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất.

8. Những đối tượng đặc biệt khi sử dụng thuốc Ibuprofen

Phụ nữ có thai và đang cho con bú

Ibuprofen có thể ức chế co bóp tử cung và làm chậm đẻ. Thuốc cũng có thể gây tăng áp lực phổi nặng và suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh do đóng sớm ống động mạch trong tử cung. Sau khi uống các thuốc chống viêm không steroid cũng có nguy cơ ít nước ối và vô niệu ở trẻ sơ sinh. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, phải hết sức hạn chế sử dụng đối với bất cứ thuốc chống viêm nào. Các thuốc này chống chỉ định tuyệt đối trong vài ngày trước khi sinh.

Ibuprofen vào sữa mẹ rất ít, không đáng kể. Ít khả năng xảy ra nguy cơ cho trẻ ở liều bình thường với mẹ. Các nhà sản xuất vẫn khuyến cáo không nên dùng ibuprofen trong thời gian cho con bú vì nguy cơ ức chế prostaglandin tiềm tàng ở trẻ sơ sinh.

Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Người lái tàu xe hay vận hành máy móc

Thuốc không ảnh hưởng nhiều đến khả năng lái xe hay vận hành máy móc

9. Xử lý khi dùng quá liều thuốc Ibuprofen

Các triệu chứng về quá liều ibuprofen đã được báo cáo gồm:

Đau bụng, buồn nôn, nôn, thờ ơ và ngủ gà, có thể xảy ra đau đầu, cơn co cứng, ức chế thần kinh trung ương, co giật, hạ huyết áp, nhịp nhanh, thở nhanh và rung nhĩ.

Cách xử lý

Khi gặp phải các dấu hiệu liệt kê ở trên, bạn nên ngừng dùng thuốc và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

10. Xử lý khi quên một liều thuốc Ibuprofen

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

11. Cách bảo quản thuốc Ibuprofen

Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30oC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Lưu ý: Để xa tầm tay trẻ em và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

* Các thông tin về thuốc trên duocphamdragon.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ.

Nguồn:

1. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Ibuprofen
2. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018.
3. https://www.mims.com/vietnam/drug/info/ibuprofen?mtype=generic

Dr. Lan Huong

See all author post

849 Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are makes.