Kết quả nghiên cứu mới của Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia Singapore (NNI) cho biết uống 2 tách cà phê mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson tới 8 lần. Tin vui lớn với những người đam mê cà phê.
Theo giáo sư-tiến sĩ Tan Eng King, cố vấn cấp cao, khoa Thần kinh, Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia Singapore – tác giả chính của nghiên cứu, caffeine trong cà phê có khả năng chống lại bệnh Parkinson và các bệnh thoái hóa thần kinh khác nhờ tác dụng giảm viêm ở các tế bào thần kinh trong não.
Giáo sư Tan cho biết, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh Parkinson, đặc biệt là ở các quốc gia phổ biến các biến thể gen châu Á. Cả cà phê và trà đều là nguồn dồi dào caffeine, và tiêu thụ caffeine vừa phải là cách đơn giản để giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Nghiên cứu bao gồm 4.488 người tham gia. Họ được yêu cầu trả lời các câu hỏi về mức tiêu thụ caffeine hằng ngày. Trong số những người tham gia, 1.790 người mắc bệnh Parkinson, 2.698 người không mắc và tất cả đều có 1 trong 2 biến thể gen châu Á liên quan đến bệnh này.
Kết quả đã phát hiện ra rằng uống mỗi ngày 4 – 5 tách cà phê Arabica pha kiểu phương Tây hoặc 2 tách cà phê Robusta, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson từ 4 – 8 lần, theo EurekAlert.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy càng tiêu thụ nhiều caffeine thì tác dụng càng lớn, nhưng ngay cả uống ít hơn 200 mg caffeine mỗi ngày vẫn giảm được nguy cơ mắc bệnh. Và mức tối đa là 400 mg caffeine mỗi ngày (khoảng 3 – 4 tách).