Chính phủ đề xuất nghiêm cấm kinh doanh thuốc trên mạng xã hội

Chính phủ đề xuất nghiêm cấm kinh doanh thuốc trên mạng xã hội

Chiều 18.6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Dược (sửa đổi). Luật này do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, một trong những điểm mới của dự thảo luật, đó là cho phép loại hình kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Không được kinh doanh thuốc trên mạng xã hội

Theo quy định tại dự thảo luật Dược (sửa đổi), cơ sở kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử có các trách nhiệm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; phải bảo đảm bảo mật thông tin của người mua theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Đặc biệt, dự thảo nghiêm cấm hình thức kinh doanh thuốc trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác ngoài các hình thức quy định tại luật này.

Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Xã hội của Quốc hội ủng hộ việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Điều này là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc, nhất là các thuốc được phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, các phương tiện kinh doanh thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc (đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử).

Cơ quan thẩm tra dẫn chứng các cơ sở kinh doanh thuốc cố định, có thời gian hoạt động, người phụ trách chuyên môn phải có mặt trong toàn bộ thời gian cửa hàng hoạt động. Vậy, với các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, thời gian hoạt động 24/24 giờ, 7/7 ngày thì yêu cầu người phụ trách chuyên môn có mặt như thế nào?

Ngoài ra, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố cũng phải được làm rõ; rồi điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm…

Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, hoạt động bán lẻ thường có sự hiểu biết khác nhau về thuốc giữa người bán và người mua, thậm chí là giữa người bán thuốc và người kê đơn thuốc. Do đó cần có quy định đặc thù để điều chỉnh, quản lý nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật chỉ nên tập trung quy định hoạt động bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.

Các đại biểu tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, ngày 18.6
Các đại biểu tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, ngày 18.6

Chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn?

Vẫn theo báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội cho hay, liên quan đến các thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất là đề nghị quy định cụ thể ngay tại dự thảo luật điều kiện đối với thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử, theo hướng chỉ áp dụng đối với thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc.

Loại ý kiến thứ hai là thống nhất với ý kiến của Chính phủ không quy định cụ thể các loại thuốc mà giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đa số ý kiến Ủy ban Xã hội thống nhất loại ý kiến thứ nhất bởi thuốc là mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân; đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung thông tin kinh nghiệm quốc tế trong quản lý hoạt động này.

Ủy ban Xã hội còn đề nghị nghiên cứu để có công cụ kiểm soát hiệu quả, bảo đảm việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử an toàn cho người sử dụng.

Việc mua, bán phải được thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, giá cả hợp lý và bảo mật thông tin người mua hàng; áp dụng biện pháp liên thông dữ liệu với cơ quan quản lý nhà nước để quản lý, thực hiện có hiệu quả việc bán thuốc và bán thuốc theo đơn.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest

TƯ VẤN CHUYÊN GIA

Điền thông tin để được chuyên gia tư vấn miễn phí
Cùng chuyên mục

Bài viết liên quan

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc là make.