Tối 21/12 vừa qua, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 43 đơn vị, trong đó 14 hộ gia đình, 14 hợp tác xã và 15 doanh nghiệp đã có thành tích trong nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc tổ chức vinh danh như một sự động viên, khuyến khích và cổ vũ các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp chung tay vì sự phát triển dược liệu Việt, nhằm phát huy giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh chuỗi vùng trồng-sản xuất, phát triển các loại thuốc chữa bệnh từ dược liệu và các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ các bài thuốc quý, tạo thêm nhiều giá trị cho cây thuốc Việt; đồng thời góp phần xây dựng thói quen “người Việt dùng thuốc Việt” từ các sản phẩm dược liệu thế mạnh của Việt Nam.
Từ hàng nghìn năm nay, trước khi biết đến y học hiện đại, Việt Nam đã khẳng định một nền y dược học cổ truyền lâu đời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và trị bệnh cho người dân. Ngày nay, qua nhiều thế hệ, các thầy thuốc y dược học cổ truyền Việt Nam đã xây dựng nền y dược học cổ truyền vững mạnh, góp phần không nhỏ cùng y học hiện đại, phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Theo thống kê của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.
Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.
Phát biểu ý kiến tại lễ vinh danh, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan tin tưởng các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được vinh danh hôm nay sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, khuyến khích các tập thể và cá nhân khác ngày càng tham gia tích cực hơn trong công tác bảo tồn và phát triển dược liệu theo định hướng của Chính phủ, đồng thời cổ vũ phong trào xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ cây dược liệu.
Bộ Y tế luôn trân trọng, đồng hành, cổ vũ, chú trọng gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị quý báu của nền y học cổ truyền, đặc biệt là việc sử dụng nguồn dược liệu trong nước để phòng và trị bệnh, chăm sóc, và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng Y tế cũng mong rằng chương trình sẽ lan tỏa thông điệp về bảo tồn và phát triển dược liệu, khích lệ và cổ vũ các tập thể, cá nhân trong hoạt động phát triển dược liệu, phát huy tinh thần người Việt dùng thuốc Việt, Nam dược trị Nam nhân mà ông cha ta đã để lại.
Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế